Sáng 3/10, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây Dựng và Bộ Công Thương đồng chủ trì hội thảo khoa học “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực ĐBSCL”. Tham dự có đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan trung ương và địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chuyên gia nước ngoài.
Các báo cáo tại hội thảo cho biết, nước ta hiện có 21 nhà máy điện than hoạt động, mỗi năm tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than và thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Mỗi nhà máy cần bãi chứa thải hơn 30 ha, tổng diện tích bãi chứa thải hiện đã hơn 700 ha. Dự kiến tới năm 2020, có thêm 12 dự án nhà máy điện than đi vào hoạt động, khi đó tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than và lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra 22,6 triệu tấn.
Quang cảnh hội thảo sáng 3/10, ở Cần Thơ.
Tại khu vực ĐBSCL hiện có 3 cụm nhiệt điện: Duyên Hải ở tỉnh Trà Vinh, Long Phú ở tỉnh Sóc Trăng và Sông Hậu ở tỉnh Hậu Giang. Trong đó, đã vận hành Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I, III với tổng công suất lắp đặt 1.445 MW, hàng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ. Theo quy hoạch, đến năm 2020, các cụm nhiệt điện này có thêm 6 nhà máy, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505MW, mỗi năm tiêu thụ 16,52 triệu tấn than và thải ra 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Từ sau năm 2020 đến năm 2030 có thêm 9 nhà máy, nâng tổng công suất ện lên 18.225MW, mỗi năm tiêu thụ 54,68 triệu tấn than và thải ra 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.
Bãi chứa tro, xỉ ở Duyên Hải đã gần đầy tràn
Tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Việc khai thác tiềm năng các loại năng lượng khác phục vụ sản xuất điện như thủy điện, điện khí… ở nước ta đã đạt tới hạn, trong khi việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý thì việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, việc phát triển nhiệt điện than phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường”.
Đồng thời, Thứ trưởng Vượng khẳng định, “Tro, xỉ từ các nhà máy điện than không phải là chất thải nguy hại”. Nhưng ông cũng thừa nhận, vấn đề tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy điện than đang là thách thức đối với việc phát triển bền vững và việc tổ chức hội thảo là nhằm tìm kiếm các giải pháp căn cơ để xử lý.
Công ty Nhiệt điện Duyên Hải có hệ thống quan sát bãi tro, xỉ tại văn phòng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết: “Lượng tro, xỉ thải ra là thách thức rất lớn đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nguy cơ trực tiếp là các nhà máy không có đủ bãi chứa tro, xỉ sẽ tác động xấu đến môi trường sống”.
Ông Khánh nhấn mạnh: “Việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng một lượng lớn tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, các địa phương nơi có nhà máy điện than, đặc biệt đối các doanh nghiệp sản xuất điện than”.
Nhiều cơ quan nghiên cứu cho biết, một số loại vật liệu xây dựng đã và đang được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy điện than như sử dụng tro tuyển làm phụ gia bê tông; tro, xỉ làm phụ gia xi măng; làm vật liệu gia cố nền; vật liệu san lấp; làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông chưng áp… Ở ĐBSCL, nhu cầu về vật liệu san lấp, gia cố nền đường là rất lớn và đang thiếu; hiện nay, nhiều công trình giao thông đã phải nhập cát từ Campuchia với giá rất cao, cho nên tìm kiếm vật liệu thay thế vật liệu tự nhiên (cát, đá) đã được đặt ra khá cấp bách. Đây chính là thị trường mới cho tro, xỉ của các nhà máy điện than để tìm đáp án bài toán nan giải.
Khu vực kho than và bãi chứa thải được Công ty Nhiệt điện Duyên Hải trồng nhiều cây xanh để hạn chế gây ô nhiễm.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu những khó khăn cụ thể. Nhà máy điện sử dụng than nội địa thải ra tro, xỉ chiếm 29% - 37,5% lượng than đầu vào, trong đó lượng tro bay chiếm 70-80% là khó tiêu thụ, còn xỉ đáy lò chiếm 20-30% dễ tiêu thụ hơn, số ít là thạch cao. Còn nhà máy điện sử dụng than nhập chỉ thải ra tro, xỉ 6-7%. Tro, xỉ không phải là chất thải nguy hại mà là chất thải rắn công nghiệp thông thường và là nguồn nguyên liệu có giá trị sử dụng cao, đặc biệt trong các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và giao thông.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực, tình hình tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy điện than ở phía Bắc tương đối tốt thì ở phía Nam còn trong giai đoạn “lấy mẫu thí nghiệm nhằm đưa ra phương án tiêu thụ cụ thể”. Tro bay của cụm nhiệt điện Duyên Hải được một số đơn vị ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lấy về làm phụ gia xi măng nhưng chi phí vận chuyển lớn nên hạn chế tiêu thụ. Từ khi nhà máy điện vận hành đến ngày 13/7/2017, lượng tro xỉ ở Duyên Hải mới tiêu thụ được 7,1% tổng lượng thải ra.
Bên cạnh đó, các nhà máy trước đây thường xây dựng bãi thải lớn, đảm bảo nhà máy hoạt động 7-10 năm, cá biệt tới 25 năm như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Còn các nhà máy mới đưa vào vận hành như tại Duyên Hải, theo quy định hiện nay, bãi thải chỉ đủ đảm bảo cho nhà máy hoạt động khoảng 2 năm. Cho nên, bãi chứa tro, xỉ ở Duyên Hải nay đã gần đầy tràn, ẩn chứa nguy cơ gây hại cho môi trường, đặc biệt là thủy sản vì nằm ở bờ biển.
Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng cũng nêu lên những khó khăn vướng mắc trong sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng.