Người bán chưa chủ động, người mua thờ ơ
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, hiện nay người dân chưa thấy được các lợi ích của việc sử dụng hóa đơn này, mà chỉ thấy được một trong các bất lợi quan trọng nhất là phải trả thêm tiền thuế GTGT cho các sản phẩm và dịch vụ.
Trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Bộ Tài chính dẫn chứng quy định tại Điều 3, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2013 quy định, đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các đối tượng không chịu thuế theo quy định.
Theo Điều 4 của Luật này, người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT.
Điều 14 của Luật Thuế GTGT quy định, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế sử dụng hóa đơn GTGT, hóa đơn phải được ghi đầy đủ, đúng nội dung quy định, bao gồm cả khoản phụ thu, phí thu thêm (nếu có).
Trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT mà trên hóa đơn GTGT không ghi khoản thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán ghi trên hóa đơn nhân với thuế suất thuế GTGT, trừ trường hợp các loại tem, vé là chứng từ thanh toán in sẵn giá thanh toán thì giá thanh toán tem, vé đó đã bao gồm thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT sử dụng hóa đơn bán hàng.
Theo Điều 7, Điều 16 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, nghĩa vụ của người nộp thuế là chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; Lập và giao hoá đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân khác tham gia quản lý thuế có trách nhiệm yêu cầu người bán hàng, người cung cấp dịch vụ phải giao hoá đơn, chứng từ hán hàng hoá, dịch vụ đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Căn cứ quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT nêu trên, cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ phải lập hóa đơn GTGT cho khách hàng; Hóa đơn lập phải ghi đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người bán chưa chủ động, còn người mua lại khá thờ ơ trong việc yêu cầu cấp hóa đơn GTGT. Điều này có thể đã giúp cho các cơ sở kinh doanh gian lận thuế.
Ngăn chặn hành vi gian lận thuế trong sử dụng hóa đơn GTGT
Để người dân hiểu được các lợi ích của việc sử dụng hóa đơn GTGT, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã, đang và sẽ nỗ lực triển khai tích cực các hoạt động liên quan đến hóa đơn GTGT.
Theo đó, ngành Thuế đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương tuyên truyền để người nộp thuế hiểu và thực hiện tốt chính sách về việc sử dụng hóa đơn GTGT; Nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế; Trách nhiệm giám sát nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng dịch vụ, trong đó có nghĩa vụ về sử dụng, quản lý và giám sát việc sử dụng hoá đơn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Thời gian qua, ngành Thuế đã chủ động phối hợp tuyên truyền về việc triển khai hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực để người dân hiểu được hóa đơn điện tử mang lại rất nhiều lợi ích cho DN và người dân khi sử dụng hóa, người mua hạn chế rủi ro về hóa đơn trong việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Hệ thống sử dụng hóa đơn điện tử sẽ cảnh báo các doanh nghiệp (DN) có rủi ro cao về thuế không được xuất hóa đơn trong bán hàng, cung ứng dịch vụ.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo ngành Thuế phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, các tổ chức tín dụng tăng cường phổ biến và đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán tiền; Trên cơ sở đó, giám sát việc xuất hoá đơn GTGT của các cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện. Trong số các đối tượng thanh tra, kiểm tra ngoài việc tập trung vào các DN trọng điểm còn tập trung vào thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn, chứng từ của các DN...
Ngoài ra, để hạn chế các hình thức trốn thuế thông qua thành lập DN “ma” để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế tăng cường kiểm tra sau cấp phép, tổ chức rà soát các hồ sơ khai thuế đối với các DN mới thành lập, nhất là DN có đại diện pháp lý là người địa phương khác...
Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan liên quan nắm bắt, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; Phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp hồ sơ, thông tin nhanh chóng, kịp thời, nâng cao tính răn đe các đối tượng nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế... Qua đó, ngăn chặn kịp thòi các hành vi vi phạm của người nộp thuế nói chung và việc sử dụng hoá đơn GTGT nói riêng; Phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành vi gian lận thuế, góp phần nâng cao tính tuân thủ tự nguyện và tạo được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội và người nộp thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa gian lận thuế; Trong đó có việc ứng dụng hoá đơn điện tử, hoá đơn có mã xác thực của cơ quan thuế. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Thuế sẽ đóng góp tích cực và hiệu quả đến việc ngăn chặn hành vi gian lận thuế, trong đó có việc sử dụng hóa đơn GTGT.
Bộ Tài chính gửi lời cảm ơn kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang liên quan đến các giải pháp hữu hiệu hơn để tuyên truyền, khuyến khích và tiến tới thực hiện bắt buộc người dân, DN, cơ sở kinh doanh phải sử dụng hóa đơn GTGT.
Với những nỗ lực và cố gắng như trên, Bộ Tài chính tin tưởng, việc quản lý hoá đơn GTGT sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.