Giám đốc phụ trách khâu đầu và các hoạt động dầu khí của API - Erik Milito cho biết, ngành công nghiệp dầu khí có đóng góp to lớn cho nền kinh tế Mỹ và đáp ứng cho nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng tại đây. Ngoài ra, công nghiệp dầu khí cũng đã giúp giải quyết hơn 10,3 triệu việc làm và đóng góp khoảng 1,3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.
Hiện nay, hơn 94% tổng diện tích vùng biển ngoài khơi liên bang Mỹ là những khu vực mà các công ty dầu khí không thể tiếp cận để thăm dò phát triển. Do đó, việc mở cửa OCS để phát triển năng lượng ngoài khơi một cách an toàn và trách nhiệm sẽ giúp khôi phục ngành năng lượng của Mỹ - bao gồm cả việc làm có thu nhập cao hơn, đầu tư tại địa phương và bổ sung thu ngân sách nhà nước cho giáo dục và cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn năng lượng trong dài hạn.
Theo các phân tích và nghiên cứu của hai công ty tư vấn Calash và Northern Economics, Mỹ sẽ có thể thu được lợi ích kinh tế đáng kể từ việc phát triển thăm dò khai thác dầu khí tại bốn khu vực thuộc vùng thềm lục địa như sau:
Vùng biển Đại Tây Dương (Atlantic OCS): Dự kiến sẽ tạo ra gần 20.000 việc làm trong vòng 20 năm với tổng vốn đầu tư 260 tỷ USD (22 tỷ USD mỗi năm) do ngành công nghiệp dầu khí đem lại.
Vùng biển Thái Bình Dương (Pacific OCS): Dự kiến tạo ra gần 300.000 việc làm trong vòng 20 năm với tổng vốn đầu tư 160 tỷ USD (25 tỷ USD mỗi năm) do ngành công nghiệp dầu khí đem lại.
Vùng biển phía Đông vùng Vịnh (Eastern Gulf OCS): Dự kiến tạo ra gần 20.000 việc làm trong vòng 20 năm với tổng vốn đầu tư 118 tỷ USD (14 tỷ USD mỗi năm) do ngành công nghiệp dầu khí đem lại.
Vùng biển Alaska (Alaska OCS): Dự kiến tạo ra gần 13.500 việc làm trong vòng 20 năm với tổng vốn đầu tư 53,4 tỷ USD (2 tỷ USD mỗi năm) do ngành công nghiệp dầu khí đem lại.