Bộ GTVT sẽ chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Công Thương, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) để bàn về việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe máy.
Tăng cường kiểm soát năng lượng
Trong đề cương chi tiết quy định của thông tư về việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe máy, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết qua thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe đã đăng ký tại cơ quan công an tính đến ngày 15-3 là 3,76 triệu ô tô, hơn 55,1 triệu mô tô và xe máy. Trong đó xe máy là phương tiện giao thông đường bộ chủ yếu, số lượng dự kiến tăng khoảng 10% trong những năm tới.
Theo Cục Đăng kiểm, hiện nhiều quốc gia trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ đã thực hiện dán nhãn năng lượng. Khu vực Đông Nam Á thì Singapore, Thái Lan cũng đang triển khai. Trong tình hình ngày càng khan hiếm, cạn kiệt nhiên liệu dầu mỏ, ngành đăng kiểm nhìn nhận việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua dán nhãn năng lượng cần được quan tâm.
Bên cạnh đó, Quyết định số 04/2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
“Theo quyết định này, nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm mô tô, xe máy là đối tượng thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu…” - Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Từ ngày 1-1-2020, xe mô tô, xe gắn máy sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng khi bán ra thị trường. Ảnh: HTD
Sẽ tổ chức lấy ý kiến
Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe máy được quy định tự nguyện đến hết ngày 31-12-2019 và bắt buộc từ ngày 1-1-2020.
Đối tượng áp dụng là mô tô, xe máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Các loại xe bán ra thị trường để lưu thông sẽ phải minh bạch thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe, ghi trên nhãn năng lượng dán trên xe.
Nhờ đó khách hàng sẽ biết để chủ động lựa chọn xe tiết kiệm nhiên liệu. Mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ do nhà sản xuất đăng ký, công bố, có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan quản lý về thông tin mà nhà sản xuất công bố.
Theo chuyên gia giao thông, việc dán nhãn năng lượng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất, lắp ráp xe máy. Việc lắp ráp mới, đặc biệt là xe nhập khẩu hiện nay đều có công bố những thông số kỹ thuật của xe, bao gồm cả mức tiêu thụ nhiên liệu ở tài liệu kỹ thuật liên quan và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông số này. Vì vậy, việc dán nhãn năng lượng đối với xe máy là không cần thiết và gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết hiện nay đang dự định triển khai việc dán nhãn năng lượng đối với xe máy, tuy nhiên nội dung cụ thể phải họp bàn với các đơn vị liên quan mới quyết định được. “Sau khi đưa ra lộ trình cụ thể, cơ quan chức năng sẽ đăng tải để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng” - lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.
Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 40 quy định từ ngày 1-1-2018 ô tô con trên bảy chỗ đến chín chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng đều phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
“Dán nhãn để doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng biết thông tin về sản phẩm như tiêu hao ít năng lượng, tiết kiệm chi phí. Về phía người mua xe sẽ có cơ sở để lựa chọn tốt hơn. Việc này có lợi cho cả đôi bên. Có người cho rằng xe nhập khẩu từ châu Âu là tốt rồi, cần gì dán nhãn nhưng đâu phải xe nào nhập khẩu từ châu Âu cũng tốt” - đại diện Bộ GTVT nhận định.
Theo Bộ GTVT, việc triển khai dán nhãn không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chỉ cần cung cấp các thông tin như nơi sản xuất, mức tiêu hao nhiên liệu, các tiêu chuẩn về khí thải… để cơ quan chức năng hậu kiểm là được.