Từ 1/12, giá điện bình quân tăng 6,08% lên 1.720,65 đồng/kWh. Trước việc tăng giá điện, cả người dân lẫn doanh nghiệp đều lo lắng, nhất là thời điểm này lại đang cận kề Tết.
Thùy Dung (sinh viên Đại học Ngoại Thương, Hà Nội) cho biết, thực ra sinh viên thuê trọ không được hưởng giá điện sinh hoạt mà thường phải chịu 3.500- 4.000 đồng/kWh. Dù chỉ sử dụng điện cho chiếu sáng, máy tính, tủ lạnh, cắm cơm…, không có máy giặt, điều hòa nhưng mỗi tháng phải trả hơn 300.000 đồng tiền điện.
Ảnh minh họa
Nên vừa rồi có thông báo tăng giá điện khiến Dung rất lo lắng. “Phòng em ở 2 người nên chia ra mỗi tháng em phải đóng cả tiền nhà và tiền điện nước khoảng 1,5 triệu đồng, chỉ còn lại 1 triệu để ăn uống, chi tiêu khác. Giờ chủ nhà đòi tăng tiền điện nữa thì em không biết sống thế nào”.
Cũng có chung lo lắng, anh Trần Quang đang thuê trọ ở quận Đống Đa, chia sẻ: Vợ chồng tôi đang phải chịu giá điện kinh doanh là 3.500 đồng/kWh. Hiện tại mỗi tháng tôi đang phải trả hơn 600.000 đồng tiền điện.
“Mùa đông không tốn tiền điều hòa nhưng chủ nhà lại tính riêng tiền nóng lạnh là 100.000 đồng/người/tháng. Mỗi tháng chúng tôi mất 3,5 triệu gồm tiền nhà, điện nước. Lương của hai vợ chồng chỉ đủ để thuê nhà, ăn tiêu chứ chả tiết kiệm được đồng nào. Giờ điện tăng, xăng tăng, chỉ sợ hàng hóa khác cũng tăng theo, nhất là năm hết Tết đến nữa, bao nhiêu là gánh nặng”, anh Quang chia sẻ.
Doanh nghiệp gồng mình
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc công ty CP công Nông nghiệp Tiến Nông, chuyên sản xuất phân bón cho biết, ước tính tiền điện mỗi tháng của công ty hơn 500 triệu đồng. Do đó, việc tăng giá điện sẽ tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Việc tăng giá điện cũng sẽ làm tăng chi phí đầu vào khác khiến giá thành sản xuất mặt hàng này còn cao hơn. Mọi tác động rồi cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
Đối với lĩnh vực dệt may, ông Nguyễn Lê Hùng, Tổng Giám đốc công ty May Minh Trí cho biết, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm được.
“Tăng giá điện khiến doanh nghiệp khó khăn hơn nhưng chúng tôi đành phải chịu đựng thôi, vì mọi phương án tiết kiệm điện như sử dụng máy móc hiện đại, thay thế đèn tiết kiệm điện… đã được áp dụng. Giờ chúng tôi chỉ có cách chấp nhận giảm lợi nhuận chứ không thể tăng giá bán được. Sẽ cố gắng nhưng nếu quá thì sẽ buộc phải điều chỉnh giá bán”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, việc kiểm tra chi phí sản xuất điện đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng vẫn có thể minh bạch hơn.
“Hàng năm chỉ có đại diện cho bên mua điện tham gia còn khâu quyết định/đề xuất mức giá điện chỉ có bên bán điện tham gia là EVN chứ chưa có bên mua điện tham gia. Hiện tại, tài liệu về phương án giá điện vẫn thuộc dạng tài liệu mật của Nhà nước. Theo tôi, không nên để cơ chế mật như vậy và khâu quyết định mức giá điện nên có sự tham gia của các bên”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho biết việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các hộ kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%; chi phí của nhóm khách hàng sản xuất tăng 1,4 -6,4%; chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp tăng 4,97%.
Đặc biệt, khoản lỗ 9000 tỷ do chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được đưa hết vào giá điện lần này. Điều đó có nghĩa, giá điện có khả năng còn tăng nữa.
“Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỉ đồng đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Trong đợt điều chỉnh giá điện này, chúng tôi cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỉ giá vào trong giá thành. Theo quy định thì khoản lỗ này phải đưa hết vào giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ không làm như vậy và chỉ đạo Bộ Tài chính cho phép EVN được giãn ra khoản lỗ này theo từng năm. Dự kiến đến năm 2020, khoản lỗ 9.000 tỉ đồng này sẽ được xử lý xong”, ông Tuấn cho hay.