Phát triển năng lượng mặt trời tại New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 12/11, tổ chức Năng lượng Bền vững cho Tất cả (SEforALL) công bố một báo cáo cho biết nguồn tài chính để hỗ trợ việc tạo và cấp điện năng cho gần 1 tỷ người sống mà không có điện đang tăng lên, nhưng vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu toàn bộ dân số thế giới được sử dụng điện vào năm 2030.
Trong một báo cáo so sánh mức tài chính dành cho năng lượng trong giai đoạn 2015-2016 với hai năm trước đó, SEforALL cho biết tại 20 quốc gia nơi chiếm hơn 80% số người hiện chưa tiếp cận với nguồn điện trên toàn cầu, nguồn tài chính cho việc mở rộng lưới điện đã tăng 56% lên mức bình quân khoảng 30 tỷ USD mỗi năm trong năm 2015-2016.
Nhưng SEforALL nhấn mạnh rằng con số trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức 52 tỷ USD được đề xuất cần chi mỗi năm.
Ngoài ra, hơn 25% khoản đầu tư hàng năm trong thời gian 2015-2016 (tương đương 8 tỷ USD) được dành cho các nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà được kết nối với mạng lưới điện.
Khoản chi tiêu này tăng gấp đôi so với mức ghi nhận trong thời gian 2013-2014, và đây là một vấn đề mà cộng đồng quốc tế cần chú ý.
Giám đốc điều hành (CEO) SEforALL, bà Rachel Kyte cho biết tuy nguồn vốn cho tạo điện năng có tăng nhưng không đủ để đạt được mục tiêu kể trên, hoặc để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện hay giúp các cộng đồng yếu thế tăng cường khả năng đối phó với các tác động từ biến đổi khí hậu.
Theo SEforALL, những lợi ích mà các nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể mang lại trong việc tăng cường khả tiếp cận nguồn điện cho người dân sẽ bị “xóa nhoà” bởi những tác động tiêu cực của chính các nhà máy này đến sức khỏe con người, cũng như đối với quá trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nghiên cứu của SEforALL cũng nhấn mạnh chỉ một phần nhỏ của nguồn kinh phí được đổ vào xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo và quy mô nhỏ, bao gồm năng lượng Mặt trời.
Đầu tư hàng năm vào hệ thống điện tái tạo quy mô nhỏ đã tăng lên mức bình quân 380 triệu USD trong cả năm 2015 và 2016, cao hơn so với mức 210 triệu USD/năm trong thời gian 2013-2014. Nhưng khoản đầu tư này chỉ chiếm 1,3% trên tổng nguồn tài chính được SEforALL theo dõi.
CEO Kyte nói rằng những con số trên đã cho thấy chính phủ các quốc gia này đánh giá thấp tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống điện tái tạo.
Trong khi đó, ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia xem các hệ thống này như là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để tăng cường khả năng tiếp cận điện cho người dân.
Bà Kyte cũng kêu gọi các ngân hàng tập trung hơn vào lĩnh vực năng lượng sạch phi tập trung, khi giúp các nước mở rộng nguồn cung cấp năng lượng.
Ngoài ra, CEO Kyte của SEforALL cũng cho biết các ngân hàng chưa nắm bắt được nhu cầu khổng lồ về hoạt động nấu nướng sạch (clean cooking) trên thế giới, mặc dù một số nước như Rwanda và Indonesia đang nỗ lực giúp người dân từ bỏ những nhiên liệu và chất gây ô nhiễm như dầu hỏa và than củi.
Gần 3 tỷ người trên khắp thế giới vẫn nấu ăn với các nhiên liệu 'bần' gây ra ô nhiễm không khí trong nhà. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hơn 4 triệu ca tử vong mỗi năm, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo của SEforALL cho biết kinh phí để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng các phương pháp nấu ăn và tạo nguồn nhiệt sưởi ấm sạch hơn vẫn còn rất thấp, thậm chí giảm 5% xuống còn 30 triệu USD mỗi năm trong thời gian 2015-2016.
Cũng theo CEO Kyte, cách tốt nhất để tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho người dân là các chính phủ cần đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, đồng thời phát triển thị trường vốn của riêng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có sự hỗ trợ quốc tế./.