Đó là thầy Trần Trung Hiếu (34 tuổi), giáo viên tin học Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TT.An Châu, H.Châu Thành, An Giang).
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ, thầy Hiếu về quê nhà vừa dạy học vừa làm ruộng, làm vườn. Nhận thấy bà con nông dân lâu nay cứ sử dụng các loại bình xịt thuốc sâu gạt tay, bình xịt bằng máy xăng, bình xịt bằng điện có nhiều hạn chế như: bình khá nặng, khi phun hao tốn xăng và thất thoát lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng phun thuốc chưa đạt hiệu quả cao... Từ những bất cập này, thầy Hiếu suy nghĩ tìm cách cải tiến bình xịt cũ trở nên hiện đại hơn.
Thầy Hiếu đã mày mò nghiên cứu, quyết tâm cải tiến bình xịt máy. Qua nhiều lựa chọn, thầy chọn giải pháp lắp pin năng lượng 30 W lên bình xịt có thể giải quyết nhiều vấn đề, tận dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Không rành máy móc, thầy vừa làm vừa liên tục chỉnh sửa những yếu tố chưa đạt. Sau nhiều tháng ròng nghiên cứu, thầy đã sáng chế bình xịt thành công.
“Tôi làm thí điểm trên 3 công đất trồng cây ăn trái và kết quả vui lắm. Nếu như trước đây mỗi lần phun thuốc bảo vệ thực vật phải mất từ 15 bình thì với bình xịt mới đã giảm xuống còn 7 bình mà hiệu quả vẫn như nhau. Trong lúc phun xịt, tấm pin năng lượng sẽ nạp năng lượng từ mặt trời rồi nạp vào hệ thống tích điện và khi nạp đầy năng lượng thì hệ thống có chế độ tự ngắt, đảm bảo hệ thống được sử dụng lâu dài và hiệu quả”, thầy Hiếu chia sẻ.
Sáng chế này của thầy Hiếu đã đoạt giải nhì Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang lần thứ 10 năm 2017. Bình xịt điện năng lượng mặt trời của thầy Hiếu có nhiều ưu điểm như: trọng lượng nhẹ hơn bình máy từ 2 - 3 kg. So với bình xịt gạt tay thì bình xịt năng lượng không cần gạt bằng tay nên hiệu quả trong quá trình phun chất lượng hơn. So với bình sử dụng xăng, không gây tiếng ồn, hạn chế ảnh hưởng môi trường do khí thải từ máy thải ra. Và so với bình xịt điện thì bình xịt điện năng lượng không cần phải sạc, thời gian phun dài hơn bình xịt điện và chất lượng phun hiệu quả hơn.
Theo thầy Hiếu, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường thấy rõ như giảm chi phí trong quá trình sản xuất từ 10 - 15%/vụ sản xuất; hạn chế ô nhiễm môi trường; hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật phun thừa vào môi trường tự nhiên. Ngoài ra, khả năng áp dụng rộng rãi trên nông nghiệp như lúa, rau màu, cây ăn trái, cây chè, tiêu...
Hiện thầy Hiếu đang cải tiến sản phẩm và lên kế hoạch chế tạo ra nhiều bình xịt mới bán cho nông dân để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với giá thành từ 2 - 3 triệu đồng/bình.