TS Nguyễn Văn Lục, trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Nông –Lâm Bắc Giang, chủ nhiệm đề tài cho biết, chuối là loại quả khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, đây là loại quả có thời gian chín rất nhanh (khoảng 2-3 ngày) và sau đó chất lượng giảm xuống (vỏ thâm đen, thịt chuối mềm nhũn).
Không chỉ ăn tươi, các sản phẩm được chế biến từ chuối trong đó có chuối sấy dẻo đang được nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm.
Sản phẩm đang được đóng gói.
Chuối sấy dẻo có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất xơ, các chất khoáng như kali, mangan... Hàm lượng kali tự nhiên trong chuối rất cao giúp điều hòa hoạt động của hệ thần kinh, giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Đây cũng là sản phẩm tiện dụng, có thể lưu trữ được lâu.
Cho đến thời điểm hiện tại, sản phẩm chuối sấy dẻo đã được một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chào bán trên thị trường. Tuy nhiên chất lượng còn nhiều hạn chế so với mặt hàng cùng loại nhập ngoại , như: có hiện tượng thấm dầu và caramel hóa, màu sắc và hương vị kém hấp hẫn, thời gian bảo quản ngắn.
Chính vì vậy, TS Lục và các cộng sự bắt tay nghiên cứu nhằm khắc phục được những nhược điểm trên, đồng thời tiết kiệm chi phí nhiệt trong quá trình sấy. Thay vì sử dụng phương pháp sấy thông thường, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một phần nguồn nhiệt từ ánh sáng mặt trời kết hợp với gia nhiệt nhân tạo. Theo đó, ánh sáng mặt trời được hấp thụ qua những tấm vòm polyme nhựa làm nóng không khí bên trong phòng sấy từ đó giúp sấy khô chuối. TS Lục cho hay, nhờ việc sử dụng năng lượng tự nhiên này, các nhà khoa học đã giải quyết căn bản bài toán chi phí về mặt năng lượng nhiệt trong quá trình, góp phần giảm giá thành sản xuất cùng những lợi ích khác về mặt môi trường so với nguồn nhiệt từ than, khí đốt, củi…
Tự tin ra được thị trường
TS Nguyễn Văn Lục cho biết, không chỉ giải quyết bài toán năng lượng, nhóm nhà khoa học còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm phải thơm, ngon và giữ được mùi vị đặc trưng của chuối. Vì thế, nhóm tác giả tuân thủ quy trình từ việc lựa chọn nguyên liệu đến các công đoạn sấy, đóng hộp… Theo đó, chuối nguyên liệu phải là chuối tây và vừa chín tới, có độ đồng đều nhất định. Sau khi bóc vỏ, chuối sẽ được đưa vào phòng sấy.
Sản phẩm chuối sấy dẻo thường.
Trong quá trình sấy, các thông số công nghệ sấy đều được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ sau đó xác lập và điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn để giúp chuối khô nhanh nhưng vẫn đảm bảo độ dẻo, tạo màu sắc và hương thơm tự nhiên cho sản phẩm.
Đối với dòng sản phẩm chuối sấy dẻo phủ sôcôla, chuối sau khi sấy sẽ được phủ thêm một lớp sôcôla phía ngoài. Việc phủ thêm lớp sôcôla bên ngoài không chỉ tạo hương vị mới mà còn có tác dụng bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm.
Và chuối sấy dẻo phủ sôcôla.
TS Lục cho biết, đối với các nhà khoa học, việc thương mại hóa sản phẩm là vấn đề vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, với dòng sản phẩm này, quá trình sấy đã tận dụng một phần nguồn nhiệt từ ánh sáng mặt trời nên giảm được chi phí sản xuất. Ngoài ra, các thông số sấy được kiểm soát chặt chẽ giúp chuối có được màu sắc và hương vị đặc trưng; các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình thực nghiệm cũng đã được thiết lập nên sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, TS Lục tự tin đây là sản phẩm thực sự có thể thương mại hóa, sản phẩm từ phòng nghiên cứu ra được thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Hiện các nhà khoa học đang làm thủ tục đăng ký chất lượng và sẽ chào hàng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… trong quý II năm nay.