Loại bỏ đèn sợi đốt có công suất trên 60W giúp tiết kiệm hơn 1.500 GWh/năm |
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2015-2017, Bộ Công Thương đã hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật về tiết kiệm năng lượng. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp biết và tuân thủ theo phạm vi, lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký, chứng nhận hiệu suất năng lượng. Đồng thời, chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng về các nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với hơn 85% người dân Việt Nam biết và được tiếp cận với các kiến thức về tiết kiệm năng lượng.
Nhờ đó, lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm tăng cao. Theo số liệu thống kê, lượng điện năng tiết kiệm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm; do loại bỏ đèn sợi đốt có công suất trên 60W tiết kiệm hơn 1.500 GWh/năm, tương đương với việc xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 300MW. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng năng lượng tiết kiệm được là 11,261 triệu TOE.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục là đầu mối về tổ chức, phát triển hệ thống quản lý năng lượng, mạng lưới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ trung ương đến địa phương nhằm thống nhất triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng trong phạm vi cả nước. Theo đó, bộ sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, máy móc, thiết bị, kiểm toán năng lượng để đáp ứng quy chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia.
Đồng thời, tổ chức nghiên cứu xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoàn thiện các quy định về xử phạt và khen thưởng thích hợp để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg về tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy, xi măng, dệt nhuộm, xử lý thực phẩm.
Mặt khác, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ sung danh mục các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng. Đầu tư xây dựng các cơ sở, trang thiết bị thử nghiệm chuyên ngành và đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề để thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo lộ trình. Đẩy mạnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi về phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu về năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý năng lượng và các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc dán nhãn năng lượng cho các nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng. |