Chiều 4/1 liên Bộ Công Thương Tài chính phát đi thông báo về điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trong nước. Đây là kỳ điều hành đầu tiên sau khi xăng sinh học E5 RON 92 được thay thế hoàn toàn xăng RON 92 trên toàn quốc từ 1/1/2018.
Theo đó, do xăng RON 92 không còn được bán trên thị trường nên mức chi Quỹ với mặt hàng này được rút về 0 đồng. Nhà điều hành quyết định tăng mức chi Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng E5 RON 92 thêm 311 đồng một lít so với kỳ trước, lên mức 857 đồng một lít để giữ nguyên giá bán lẻ mặt hàng này. Sau điều hành mỗi lít xăng E5 vẫn có mức giá tối đa 18.243 đồng một lít.
Liên Bộ cũng quyết định tăng giá bán các mặt hàng dầu, trong đó tăng 360 đồng một lít với dầu diesel; 495 đồng một lít dầu hoả và 235 đồng một kg dầu madut. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 18.243 đồng một lít; dầu diesel 15.529 đồng một lít; dầu hoả 14.112 đồng một lít và madut 12.617 đồng một kg.
Mức giá mới sau khi điều chỉnh
Nguồn: Petrolimex.vn
Mức giá mới có hiệu lực từ thời điểm 15 giờ 00 phút ngày 04 tháng 01 năm 2018 cho đến khi có thông cáo báo chí (TCBC) mới.
Cùng với đó, mức chi Quỹ bình ổn giá các mặt hàng dầu cũng có sự điều chỉnh tăng, giảm tuỳ mặt hàng. Cụ thể, mức chi với dầu diesel giảm về còn 400 đồng một lít, tăng chi với dầu madut thêm 70 đồng, lên 150 đồng một kg; và giữ nguyên mức chi quỹ với dầu hoả là 460 đồng một lít.
Cơ sở thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong nước được cơ quan quản lý đưa ra trên cơ sở bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày qua ở mức gần 73,78 USD một thùng RON 92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON 92), 77,47 USD một thùng dầu diesel…
Tại kỳ điều chỉnh lần này mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền cũng thay đổi theo tính toán của Bộ Tài chính, xăng ở mức 10% (tăng 1,44% so với kỳ trước); dầu diesel 1,03%, dầu hoả 0,11% và dầu madut 3,26%.
Tỷ trọng xăng từ nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước để tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở quý I/2018 lần lượt là 51,36% và 48,64%. Đáng chú ý, giá ethanol E100 đưa vào tính giá cơ sở ở mức 14.315 đồng một lít (chưa gồm thuế VAT), tăng khá mạnh so với kỳ điều hành cách đây 15 ngày.
Thế giới
Giá dầu đã đánh mất đà tăng trong phiên cuối tuần, khi mối lo dư cung trở lại "ám ảnh" các nhà giao dịch.
Sau khi đi xuống trong phiên đầu tuần, giá dầu thế giới tuần qua đã liên tiếp chạm mức cao nhất kể từ giữa năm 2015 vào các phiên giữa tuần do bất ổn địa chính trị và báo cáo về lượng dầu dự trữ tại Mỹ. Tuy nhiên, giá "vàng đen" đã đánh mất đà tăng trong phiên cuối tuần, khi mối lo dư cung trở lại "ám ảnh" các nhà giao dịch.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (2/1), giá dầu đi xuống khi tuyến đường ống dẫn dầu ở khu vực Biển Bắc thuộc nước Anh và một đường ống dẫn dầu tại Libya đã bắt đầu nối lại hoạt động. Hệ thống đường ống dẫn dầu từ Forties tại khu vực Biển Bắc (Vương quốc Anh) với công suất 450.000 thùng/ngày đã hoạt động trở lại vào ngày 30/12 sau một thời gian tạm phải đóng cửa để sửa chữa đường ống.
Trong khi đó, theo CNBC, việc sửa chữa một đường ống dẫn dầu của Libya bị hư hỏng sau một vụ tấn công hồi tuần trước cũng đang hoạt động trở lại từng bước.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 3/1, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua, nhờ tình hình bất ổn ở Iran và số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và Đức thúc đẩy hoạt động mua vào.
Trong phiên này, giá dầu WTI đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, còn giá dầu Brent có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2015.
Tình hình bất ổn ở Iran tiếp tục hỗ trợ giá dầu trong phiên 4/1. Bên cạnh đó, giá mặt hàng này còn được hưởng lợi từ số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho hay lượng dầu thô dự trữ của nước này trong tuần tính đến ngày 29/12/2017 đã giảm 7,4 triệu thùng, giảm sâu hơn dự báo của các nhà kinh tế, giữa bối cảnh các nhà máy lọc dầu hoạt động với công suất cao nhất kể từ năm 2005.
Không giữ được đà tăng, giá dầu quay đầu giảm trong phiên cuối tuần (5/1), giữa bối cảnh sản lượng dầu gia tăng tại Mỹ và triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu đi đã gây áp lực lên tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường. Chốt phiên này, giá dầu WTI giảm 57 xu Mỹ xuống 61,44 USD/thùng; còn giá Brent giảm 45 xu Mỹ (0,7%) xuống 67,62 USD/thùng.
Hiện nay, các nhà giao dịch đang lo ngại sự gia tăng sản lượng dầu tại Mỹ sẽ làm suy yếu những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gần 16% kể từ giữa năm 2016, lên 9,75 triệu thùng vào thời điểm cuối năm ngoái. Theo một báo cáo, trong tuần gần đây nhất, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên 9,78 triệu thùng/ngày. Chuyên gia Norbert Ruecker, thuộc ngân hàng Julius Baer, cho rằng dự báo giá dầu vượt 60 USD/thùng là quá lạc quan.