DN cần gắn mục tiêu phát triển bền vững với chiến lược kinh doanh. Ảnh: Trần Việt.
Hiệu quả rõ rệt
Theo điều tra của CIEM và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), 71-90% DN nhỏ và vừa tại Hà Nội đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Chia sẻ về định hướng tăng trưởng xanh của DN, ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Đỉnh Việt (Divico – Energy) cho hay, là DN chuyên cung cấp các sản phẩm nồi hơi tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả và thân thiện với môi trường, Công ty đã sử dụng công nghệ nồi hơi mới, hiệu suất cao để đốt các loại nhiên liệu có chi phí thấp nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu so với các công nghệ nồi hơi hiện tại đang đốt các nhiên liệu truyền thống. Bên cạnh đó, nồi hơi công nghệ mới còn có cơ cấu làm việc cường độ cao, gia công chính xác nên thiết bị hoạt động không gây tiếng ồn, thân thiện với môi trường…
Trong một dự án DN đã thực hiện cho một công ty may mặc, với toàn bộ hệ thống nồi hơi hiện đại, DN đã sử dụng nhiên liệu đốt là vải vụn thay vì than đá Việt Nam và củi cây như trước đây. Cùng với công suất tăng lên, chi phí nhiên liệu hiện tại chỉ rơi vào khoảng 82.000 đồng/tháng, tiết kiệm được 72% chi phí so với trước đây, hơn nữa việc này còn giúp DN giảm rác thải, hệ thống thiết bị của DN đạt chuẩn môi trường, khói không màu.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn cho biết, để đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh, DN đã chú trọng sử dụng nguyên liệu hợp lý, thay thế khí hóa than bằng cách sử dụng khí nén, khí hóa lỏng… vừa có tính hiệu quả cao vừa bảo vệ môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ.
Nói về việc sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh của DN nhỏ và vừa ngành công nghiệp, ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng Ban Cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ngành công nghiệp sử dụng năng lượng lớn, chiếm 43% tổng tiêu dùng năng lượng. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện dịch vụ, tăng lợi nhuận, vì thế sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh là điều tất yếu và cần được khuyến khích, hỗ trợ.
Rào cản lớn từ thị trường năng lượng
Mặc dù nhận thức được những thuận lợi về tăng trưởng xanh, nhưng các DN nhỏ và vừa lại gặp nhiều thách thức để thực hiện. Theo ông Trịnh Đức Chiều, thách thức lớn là về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, nhân lực và mạng lưới kinh doanh.
Chia sẻ khó khăn của DN khi đổi mới công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Trọng Kiên cho hay, DN sử dụng công nghệ mới thường chịu chi phí cao. Đơn cử như việc DN đưa vào sử dụng công nghệ gạch bán dẻo nhằm tận dụng phế thải, nguyên liệu chất lượng thấp và đảm bảo môi trường, đón đầu xu thế hạn chế sử dụng đất cát tự nhiên của Nhà nước nhưng việc này lại khiến chi phí đầu tư và vận hành của DN ở mức cao.
Điều tra của CIEM năm 2015 cho thấy, chỉ 14% DN trong ngành chế biến/chế tạo có công nghệ dưới 3 năm, 53% có công nghệ từ 6 năm trở lên. CIEM cho rằng, phần lớn DN nhỏ và vừa không được kiểm toán, báo cáo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, các quy định, chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ. Trong đó, Luật Hỗ trợ tiết kiệm năng lượng ra đời từ năm 2010 nhưng đến nay đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, văn bản hướng dẫn tập trung chủ yếu về tiết kiệm năng lượng, chưa có giải pháp hay mô hình về sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo…
Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều DN, việc tăng trưởng xanh đang gặp rào cản do thị trường năng lượng, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chưa hình thành, vẫn còn yếu tố độc quyền; giá năng lượng, đặc biệt là giá điện chưa khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo; các hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, thiếu hiệu quả…
Để giải quyết các vấn đề trên, theo ông Trịnh Đức Chiều, cần phải có chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh, hỗ trợ các DN xây dựng thành cụm công nghiệp hoặc những vườn ươm để các DN nhỏ và vừa cùng tham gia. Ngoài ra, các DN nhỏ và vừa nếu thiếu năng lực về tài chính, công nghệ, nhân lực có thể sử dụng các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO). Mặc dù đây là mô hình mới triển khai tại Việt Nam nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt cho DN nhỏ và vừa, bởi ESCO là mô hình DN chuyên cung cấp các giải pháp tổng thể nhằm giảm chi phí năng lượng và nhận các khoản thanh toán dựa trên mức độ hiệu quả của các giải pháp được thực hiện.
Có thể thấy, tăng trưởng xanh đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều DN ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khi phần lớn DN ở quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần mà các DN đã chuyển sang cạnh tranh mang tính bền vững; yêu cầu của các đối tác nước ngoài khi hội nhập, hợp tác đều có điều khoản liên quan đến bảo vệ môi trường nên các DN nhỏ và vừa nói riêng và DN Việt Nam nói chung đều không thể đứng ngoài cuộc với tăng trưởng xanh.