Mô hình "Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay" giúp các hộ dân nuôi tôm tiết kiệm tiền điện hiệu quả.
Theo báo cáo của EVN, sau gần 1 năm thực hiện (từ tháng 01/2017), kết quả đo lường, theo dõi và tính toán thực tế lượng điện năng tiêu thụ của các mô hình 1 và 2 như sau:
Thứ nhất: Đề án đã thu hút được 161 hộ nuôi tôm tại các huyện, xã thuộc tỉnh Sóc Trăng tham gia, nhiều hơn so với dự kiến ban đầu của chương trình là 51 hộ.
Thứ hai: EVNSPC đã hỗ trợ miễn phí 10.134 bộ con lăn đỡ trục quay dàn quạt tạo khí ô-xy cho các hộ nuôi tôm, phí nhân công lắp đặt, tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng cho 161 hộ để thực hiện mô hình 1.
Thứ ba: Mô hình 1 (thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay): điện năng tiết kiệm được 15,2% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Với chi phí (vật tư, nhân công lắp đặt) là 609 triệu đồng, nhưng lợi ích về tiết kiệm chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm (của 161 hộ) là 757 triệu đồng.
Thứ tư: Mô hình 2 (đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U) điện năng tiết kiệm được 38,7% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Tương ứng với chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm (của 161 hộ) là 1,9 tỷ đồng.
Kết quả trên đã được các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đánh giá tích cực và có văn bản xác nhận.
Với các kết quả thí điểm 2 mô hình trên có thể thấy, chỉ cần một số sáng kiến, cải tiến với chi phí không nhiều nhưng đã đem lại hiệu quả rất cao về tiết kiệm trong sử dụng điện và chi phí tiền điện cho các hộ nuôi tôm. Hiện nay, EVN đang chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam tiếp tục nghiên cứu các mô hình, giải pháp tiết kiệm điện mới để tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng áp dụng cho các hộ nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL và Nam bộ.
Trên cơ sở kết quả thí điểm nêu trên, EVN cũng đã có kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học - Công nghệ hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các hệ thống, thiết bị và máy móc áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để tiến tới hiệu suất sử dụng điện là cao nhất.
Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, ban, ngành liên quan thuộc khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ tăng cường tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn. Đặc biệt là tuyên truyền sử dụng các loại mô tơ có dán nhãn năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, thay vì các loại mô tơ cũ (secondhand), hiệu suất thấp, không an toàn... đang được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Đồng thời, EVN cũng kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng.