Từ thực tế này, SPC cho rằng, với tình hình nguồn và lưới điện phục vụ nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc đề xuất và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm rất cấp bách và thiết thực đối với các hộ nuôi tôm.
Trên thực tế, trong thời gian qua, SPC đã đưa ra các giải pháp có khả năng thực hiện như: sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U, có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 15 - 20% lượng điện năng sử dụng. Sử dụng gối đỡ con lăn kết hợp chỉnh đồng trục dàn quạt có khả năng tiết kiệm điện từ 25 - 30% lượng điện năng so với sử dụng hệ thống dàn quạt không đồng trục với gối đỡ chữ U. Sử dụng động cơ có hiệu suất cao có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 22 - 25% lượng điện năng sử dụng so với sử dụng động cơ quấn lại. Hay sử dụng bộ biến tần thay đổi tốc độ quay có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 28 - 35% lượng điện năng sử dụng khi tôm ở giai đoạn còn nhỏ.
Với phương pháp sục khí tầng sâu đáy ao tôm, có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 15 - 20% lượng điện năng sử dụng và giảm 40% lượng điện tiêu thụ so với sử dụng quạt ao tôm trong giai đoạn tôm còn nhỏ. Bên cạnh đó, giải pháp lắp đặt tụ bù hạ thế có khả năng tiết kiệm điện khoảng từ 2 - 4% lượng điện năng sử dụng thông qua việc giảm tổn thất điện năng trên đường dây và cải thiện hiệu suất động cơ.
Ngoài ra, theo SPC, nếu sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời trong việc cấp điện nuôi tôm thì giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm điện trên 60%. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu khá cao (khoảng 33 triệu đồng/kWp).
Bên cạnh đó, SPC cũng khuyến cáo với người dân nuôi tôm, cần chấp hành đúng chủ trương, chính sách của nhà nước để đảm bảo về quyền lợi cũng như lợi nhuận trong nuôi tôm. Bên cạnh đó có sự nhận thức tốt hơn về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. SPC sẽ phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, an toàn điện trong nuôi tôm. Đặc biệt, tăng cường khả năng cung cấp điện cho người dân trong các hoạt động sinh hoạt và nuôi tôm.