Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng từ năm 2015, do nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế tăng trưởng cao trong khi nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế. Năm 2015, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 50,4 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Dự báo, con số này sẽ tăng gần 2,5 lần vào năm 2035, tương đương khoảng 134,5 triệu TOE.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, Việt Nam hướng đến một số nhóm giải pháp lớn như: Đa dạng hóa các nguồn năng lượng; chú trọng phát triển các nguồn NLTT, năng lượng sạch, LNG và đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển bền vững ngành năng lượng.
Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tạo ra cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Australia. Hai bên có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: Đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam phục vụ nhập khẩu năng lượng (cảng LNG, cảng than), đầu tư các dự án nhiệt điện than, khí, mặt trời…
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh (thứ hai từ phải sang) tham gia tọa đàm
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam - ông Craig Chittick, trong 10 năm qua, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Australia với Việt Nam phát triển nhanh nhất trong tất cả các nền kinh tế ASEAN với giao dịch thương mại 2 chiều đạt mức 11,8 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Australia; còn Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Trong đó, năng lượng là một trong những lĩnh vực then chốt thúc đẩy thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Chuỗi cung ứng năng lượng của Australia được phát triển tốt với các giải pháp tiên tiến về than, khí đốt và năng lượng tái tạo. Australia cũng có kinh nghiệm quản lý chính sách trong việc phát triển và điều tiết thị trường điện.
Theo xu hướng Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng than sạch và các giải pháp năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp năng lượng Australia sẽ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ, chung tay vì sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Tham gia tọa đàm tại Hội nghị này, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết thêm, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hiện nay đa dạng với thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và các nguồn năng lượng khác. Với tốc độ tăng trưởng phụ tải dự báo cho các năm tới ở mức trên 10%/năm, nhu cầu phát triển các dự án điện mới của Việt Nam là rất lớn. Bình quân mỗi năm, nước ta cần có thêm từ 5.000 đến 7.000 MW công suất lắp đặt mới và trung bình nguồn vốn đầu tư cho các dự án điện cần khoảng 7,5 - 7,9 tỷ USD/năm.