Chính sách mới về phí, kiểm toán có hiệu lực từ tháng 11/2020
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Trong đó, quy định đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:
- Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp;
- Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
- Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.
Sinh viên sư phạm đã trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2020 - 2021 trở về trước thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 cho đến khi tốt nghiệp.
Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ ngày 30/11/2020.
Theo đó, quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước gồm 04 bước:
(1) Chuẩn bị kiểm toán gồm:
+ Khảo sát thu thập thông tin;
+ Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập;
+ Lập, xét duyệt, hoàn thiện, phát hành kế hoạch kiểm toán tổng quát;
+ Lập và phê duyệt KHKT chi tiết; Tổng Kiểm toán nhà nước (hoặc người được ủy quyền) ký quyết định kiểm toán và phổ biến cho thành viên đoàn kiểm tra.
(2) Thực hiện kiểm toán: công bố quyết định; tiến hành kiểm toán; lập và thông qua biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán với đơn vị được kiểm toán.
(3) Lập và gửi báo cáo kiểm toán:
+ Lập dự thảo báo cáo kiểm toán;
+ Kiểm toán trưởng, Tổng kiểm toán nhà nước xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán;
+ Hoàn thiện dự thảo, gửi lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán;
+ Thông báo kết quả kiểm toán; Phát hành báo cáo kiểm toán và thông báo kết quả kiểm toán.
(4) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Từ ngày 13/11/2020, Thông tư 25/2020/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng, có hiệu lực thi hành.
Theo đó, quy định miễn trừ thực hiện kiểm toán năng lượng trong các trường hợp sau:
- Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hoạt động trong lĩnh vực vận tải được miễn trừ thực hiện kiểm toán năng lượng.
- Các cơ sở hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động vận tải thì chỉ được miễn trừ thực hiện kiểm toán năng lượng đối với hoạt động vận tải.
Việc thực hiện kiểm toán năng lượng được quy định như sau:
- Đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm:
+ Cơ sở có trách nhiệm 03 năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc.
+ Trong thời hạn 30 ngày sau khi thực hiện kiểm toán năng lượng, cơ sở có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán năng lượng bằng văn bản đến Sở Công Thương sở tại.
- Đối với cơ sở không thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm:
Khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, cơ sở vận tải không thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm định kỳ thực hiện kiểm toán năng lượng theo chu kỳ từ 03 đến 05 năm một lần.
Thông tư 25/2020/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/11/2020.
Thông tư 82/2020/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến thuộc công trình viễn thông.
Theo đó, quy định mức thu phí thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến điện thuộc công trình viễn thông là 1.100.000 đồng/lần thẩm định (hiện hành là 2.500.000 đồng/lần).
Tổ chức kiểm định được Bộ TT&TT giao thực hiện thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến điện thuộc công trình viễn thông sẽ là tổ chức thu phí:
- Tổ chức thu phí được để lại 90% tổng số tiền phí thu được để quản lý và sử dụng theo quy định.
- Số tiền phí còn lại (10%), tổ chức thu phí nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Thông tư 82/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/11/2020 và thay thế Thông tư 184/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016.